Vì sao các doanh nghiệp BĐS lại đồng loạt “tấn công” về khu Đông Sài Gòn?

  Bên cạnh Q.Thủ Đức, Q.9 (Tp.HCM) thì Bình Dương, Đồng Nai…đang là các khu vực nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp địa ốc. Thực tế, đây cũng là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện thành lập “Thành phố Thủ Đức” nếu nhìn ở góc độ vị trí, địa […]

 

Bên cạnh Q.Thủ Đức, Q.9 (Tp.HCM) thì Bình Dương, Đồng Nai…đang là các khu vực nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp địa ốc. Thực tế, đây cũng là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện thành lập “Thành phố Thủ Đức” nếu nhìn ở góc độ vị trí, địa hình.

Trao đổi xung quanh câu chuyện vì sao thời gian gần đây, các doanh nghiệp BĐS đồng loạt tấn công về khu Đông để làm dự án, liệu có phải là hiện tượng "ăn theo" Tp.Thủ Đức trong tương lai?, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đã có những quan điểm xung quanh vấn đề này.

Đó là câu chuyện định hướng lâu dài của doanh nghiệp BĐS

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, từ trước đến nay khu Đông Tp.HCM là khu vực có tiềm năng phát triển rõ nét hơn so với các khu vực khác. Nhiều doanh nghiệp địa ốc có tầm nhìn phát triển lâu dài tại thị trường này chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin thành lập Tp.Thủ Đức mới đây.

BĐS không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, đó là sự chuẩn bị dài hơi của doanh nghiệp BĐS, có thể mất 5 năm, 10 năm, hoặc hơn thế nữa mới có thể để đánh giá tiềm năng của một khu vực nào đó. Rõ ràng, khu Đông Sài Gòn đang có lợi thế hơn các khu vực khác. Nhiều doanh nghiệp BĐS chọn khu vực này đã phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn trước đó.

"Phú Đông Group cũng như nhiều doanh nghiệp khác chọn khu vực phía Đông để phát triển dự án đã phải có tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển cách đó 10 năm chứ không phải mới đây. Theo đó, dù có thành lập Tp.Thủ Đức hay không cũng không ảnh hưởng đến chiến lược của doanh nghiệp BĐS bởi đa số đã lên kế hoạch từ trước đó. Còn câu chuyện Tp.Thủ Đức chắc chắn sẽ tạo xung lực lớn để thúc đẩy mạnh mẽ những tiềm năng của khu vực này trở thành hiện thực sớm hơn", ông Phúc chia sẻ.

 

Nếu nói về liên kết vùng thì khu Đông có lợi thế rõ nét. Thông tin thành lập Tp.Thủ Đức theo ông Phúc đó là câu chuyện của tương lai nhưng rõ ràng các tiềm năng về hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng xã hội từ các khu vực hiện hữu của khu Đông đã nói lên sự phát triển trong dài hạn của khu vực này.

Các doanh nghiệp có quỹ đất tại Bình Dương, Đồng Nai, giáp ranh với các Q.Thủ Đức, Q.9 của Tp.HCM đang có nguồn cung BĐS dồi dào hơn cả. Đó cũng là sự bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường BĐS Tp.HCM trong bối cảnh TP khan hiếm nguồn cung nhà ở như hiện nay.

"Yếu tố về thay đổi quy hoạch sẽ tác động đến xu hướng đầu tư, từ đó tác động đến giá BĐS. Thông tin thành lập Tp.Thủ Đức là thông tin tốt, tạo nên sức hút lớn đối với khu vực phía Đông vốn đã rất tiềm năng. Tuy nhiên, từ câu chuyện ý tưởng, giấy tờ đến thành hiện thực cần có thời gian, vì thế, kì vọng về sự thay đổi mặt bằng giá BĐS khu vực phía Đông có cơ sở nhưng đừng quá sớm, dễ dẫn đến tình trạng giá cả vượt quá cao so với thực tế", ông Phúc nhấn mạnh.

Nước chảy về chỗ trũng

Nói về khu Đông, không chỉ bó hẹp tại các quận phía Đông của Tp.HCM như Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức mà mở rộng về các khu vực của Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Khi được hỏi, nếu để chọn mua BĐS khu vực giáp ranh Q.Thủ Đức, Q.9 (Tp.HCM) như Dĩ An, Nhơn Trạch thì lý do gì để người mua "xuống tiền", trong khi về mặt tâm lý, dù giáp ranh nhưng người mua không được sở hữu hộ khẩu Tp.HCM như mua BĐS tại Sài Gòn, ông Phúc cho rằng, bản chất nằm ở câu chuyện phù hợp với nhu cầu ở thực tế của người dân. Không thể phủ nhận, vẫn còn tâm lý "nặng" hộ khẩu Sài Gòn nhưng nếu bỏ quy định này thì sự phát triển là như nhau. Và nói đúng ra, hiện nay người mua nhà cũng không quá "nề hà", quan trọng đến đến các yếu tố hộ khẩu.

Thay vì ở Tp.HCM mua căn nhà có giá 2 -3 tỉ nhưng lụp xụp, diện tích nhỏ, chật chội thì cũng số tiền đó người mua có thể tiến về khu vực giáp ranh để sở hữu căn hộ mới, trong khi việc đi lại cũng khá dễ dàng vì kết nối giao thông thuận tiện.

 

 

"Thị trường hiện nay đang thể hiện rõ xu hướng "nước chảy về chỗ trũng", khu vực nào có tiềm năng, giá còn tốt thì ắt sẽ kéo người mua về đó, dĩ nhiên việc đầu tư BĐS cần đi song hành với câu chuyện hạ tầng giao thông kết nối dễ dàng", ông Phúc nhấn mạnh.

Theo vị CEO này, lý do thời gian qua, lượng cầu đổ về Dĩ An tìm kiếm BĐS tăng lên là bởi, giá BĐS nơi đây còn mềm hơn "một nấc" so với giá BĐS Tp.HCM, mặc dù có vị thế giáp ranh. Lý do để NĐT bỏ tiền vào đây cũng còn vì lượng cầu của khu vực này khá mở rộng, ăn theo trục đường nội đô Phạm Văn Đồng, đi về sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện, quy hoạch nội bộ bài bản, hệ thống giao thông hạ tầng kết nối gần như liền mạch với Tp.HCM.

Nếu so sánh về giá, theo ông Phúc, có những khu vực giá đất tại Dĩ An tiệm cận với Q.Thủ Đức, Tp.HCM, cũng bởi những lợi thế vượt trội mà khu vực này có được trong suốt thời gian qua.

"Đầu tư ở khu vực nào, dự án nào đó là quyết định, tìm hiểu của mỗi NĐT, tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là BĐS vẫn là kênh tích lũy tài sản tốt, trong dài hạn, đặc biệt giá BĐS không bao giờ giảm. Đặc biệt, với NĐT nếu để lên bàn cân so sánh thì BĐS từ trước đến nay là kênh mà mang lại biên lợi nhuận nhiều nhất cho NĐT", ông Phúc nhấn mạnh.