8.000 tỷ đồng giải quyết dứt điểm ngập tại trung tâm TP.HCM trong năm 2019

  Theo Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ngập nước năm 2019, TPHCM sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu […]

 

Theo Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ngập nước năm 2019, TPHCM sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân.

Đồng thời, TPHCM sẽ tập trung cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường TPHCM.

TPHCM cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 dự án để giải quyết 9/15 tuyến đường ngập nước do mưa; thi công hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều; thi công hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày.

Theo UBND TPHCM, năm 2019 TPHCM triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, gồm 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng; khởi công mới 47 dự án, tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư 94 dự án, tổng kinh phí 819 tỷ đồng.

Cụ thể, hoàn thành 2 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực trung tâm thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều.

Duyệt thiết kế bản vẽ thi công 4 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các đường Tân Quý (quận Tân Phú); đường Bàu Cát, Trương Công Định (cùng quận Tân Bình); đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam (quận Thủ Đức) và đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), công suất 469.000m3/ngày, hoàn thành trong quý 4-2019. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè công suất 480.000m3/ngày.

Ngoài các dự án trên, TPHCM cũng xử lý dứt điểm 38 vị trí lấn chiếm cửa xả thoát nước, 62 vị trí lấn chiếm hầm ga thoát nước, 74 trường hợp lấn chiếm tuyến cống thoát nước, 39 vị trí lấn chiếm kênh rạch thoát nước; 17 vị trí bị ảnh hưởng thoát nước do thi công các dự án.

Xây dựng các hồ điều tiết ngầm phân tán ở những khu vực có khả năng ngập nặng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, góp phần xóa giảm ngập nước trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện những mục tiêu trên, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực Chương trình hành động giảm ngập nước, chỉ đạo thống nhất việc thực hiện kế hoạch, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Định kỳ 6 tháng tổ chức giao ban kiểm tra tiến độ thực hiện và tổng kết vào cuối năm nay.

TPHCM yêu cầu Sở Xây dựng nhanh chóng kiện toàn bộ máy và thay mặt UBND TP làm chủ sở hữu hệ thống thoát nước trên toàn địa bàn; tổ chức tiếp nhận, bàn giao đại diện chủ sở hữu hệ thống thoát nước; nhanh chóng vận hành đảm bảo hệ thống hoạt động xuyên suốt. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải; đặc biệt là các dự án phục vụ công tác xóa, giảm ngập trên địa bàn.

UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở KH-CN và các sở ngành nghiên cứu, đưa vào ứng dụng công nghệ mới trong thi công các công trình thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, đê kè; sửa chữa hệ thống thoát nước bằng công nghệ không đào hở, hồ điều tiết ngầm… để bảo đảm tính bền vững, hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, tiết kiệm quỹ đất và mỹ quan đô thị.

Về nguồn vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TPHCM cân đối nguồn vốn ngân sách bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hệ thống thoát nước theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh mời gọi đầu tư các dự án bằng hình thức đối tác công tư (PPP); ưu tiên kết hợp các dự án đa mục tiêu, kết hợp các yếu tố trong 4 chương trình đột phá về giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị và giảm ô nhiễm môi trường.

Mới đây, UBND TPHCM cũng đã giao Sở Giao thông vận tải tổ chức đấu thầu công khai thực hiện dự án sửa chữa – nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng; trong đó tiếp thu các ý kiến phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM về phương án thoát nước, đảm bảo hiệu quả đầu tư; đồng thời tham mưu giải pháp chống ngập hiệu quả cho tuyến đường này trong quá trình thực hiện và sau khi hoàn thành dự án.