M&A bất động sản sẽ tăng nhiệt năm 2021

  Các quỹ đất nhà ở và bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ khuấy động thị trường mua bán sáp nhập 12 tháng tới. Colliers International Việt Nam vừa phát hành báo cáo tiềm năng của thị trường M&A (mua bán sáp nhập) bất động sản năm 2021 với dự báo khá […]

 

Các quỹ đất nhà ở và bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ khuấy động thị trường mua bán sáp nhập 12 tháng tới.

Colliers International Việt Nam vừa phát hành báo cáo tiềm năng của thị trường M&A (mua bán sáp nhập) bất động sản năm 2021 với dự báo khá lạc quan. Bà Kim Ngọc, Giám đốc Bộ phận tư vấn và Thẩm định giá Colliers cho biết, những sửa đổi, cập nhật trong Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và Luật Doanh Nghiệp có thể giúp hoạt động M&A trở nên sôi động hơn sau khi nhiều quy định không phù hợp đã được bãi bỏ.

Bà Ngọc nhận định, với thành công trong năm 2020 là kiểm soát tốt dịch Covid-19 và ổn định kinh tế, Việt Nam có nền tảng tốt để khởi động các hoạt động M&A, giúp thị trường mua bán sáp nhập nhanh chóng hồi phục. Lãnh đạo Colliers International dự báo, các lĩnh vực có thể thu hút nhiều thương vụ M&A là bất động sản, bán lẻ hay hàng tiêu dùng.

Trong khi đó, JLL đánh giá thị trường mua bán sáp nhập năm nay có thể bùng nổ ở phân khúc bất động sản công nghiệp khi dòng vốn đầu tư vào thị trường này đứng trước cơ hội tăng cao, đặc biệt đối với vốn FDI và các thương vụ M&A.

Cơ sở để JLL đưa ra nhận định này là hàng loạt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các thành viên ASEAN và 5 nền kinh tế lớn bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ kéo nhiều nhà đầu tư mới đến thị trường Việt Nam.

 

 

Theo JLL, những hiệp định thương mại và sự dịch chuyển sản xuất của nhiều tập đoàn đa quốc gia là các lực đỡ tích cực, sẽ đóng vai trò rất quan trọng với thị trường mua bán sáp nhập trong năm 2021. Đơn cử, việc Apple mới đây chọn Việt Nam là nơi sản xuất Ipad và Macbook đầu tiên ngoài Trung Quốc. Diễn biến này cho thấy dòng vốn FDI chất lượng cao đang ngày càng đổ vào Việt Nam nhiều hơn, có thể kéo theo các cơ hội mua bán sáp nhập cho bất động sản công nghiệp, hậu cần, kho bãi và dịch vụ phụ trợ đi kèm.

Trước đó, tại Diễn đàn M&A, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán – sáp nhập xuyên quốc gia RECOF Corporation cho biết, xu hướng công ty Nhật M&A vào Việt Nam sẽ sôi động trong giai đoạn hậu Covid-19, có thể kỳ vọng diễn ra sớm nhất trong năm 2021 hoặc chậm nhất là các năm kế tiếp. Trước tiên, sự thay đổi dễ dàng nhận thấy sẽ là làn sóng các công ty Nhật tiến hành thủ tục đầu tư tại Việt Nam có thể tăng mạnh khi rào cản cách ly được dở bỏ.

"Sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch. Việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian và thị trường M&A sẽ sôi động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát", ông Masataka Sam Yoshida nói.

Riêng thị trường M&A bất động sản nhà ở, các chuyên gia dự báo năm 2021 sẽ nở rộ các thương vụ mua bán sáp nhập quỹ đất tại khu vực các quận huyện vùng ven TP HCM.

Các tỉnh lân cận có kết nối tốt với TP HCM vẫn còn dư địa quỹ đất phát triển các khu đô thị, thậm chí đại đô thị cũng có thể trở thành tâm điểm của thị trường mua bán sáp nhập và thu hút nhà đầu tư gốc Á như: Nhật, Singapore, Hàn Quốc. Ba điểm nóng tiềm năng của thị trường thâu tóm quỹ đất sẽ rơi vào các tỉnh vệ tinh của Sài Gòn như: Bình Dương, Đồng Nai và Long An.